Lý do Việt Nam trở thành mục tiêu
Vào thế kỷ 16, Hội An vẫn là một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Nam Á. Qua những chuyến tàu buôn và các nhà truyền giáo, phương Tây dần biết đến Việt Nam và sớm bày tỏ sự quan tâm. Không chỉ dừng lại ở giao thương, họ còn manh nha ý định chiếm đóng. Giáo sĩ kiêm thương gia người Pháp Pierre Poivre từng tuyên bố vào năm 1748:
Cần phải làm chủ hai cảng Cửa Hàn và Hội An. Vũ lực là phương tiện duy nhất phải được áp dụng!
Đó chính là tư tưởng đã hình thành từ lâu trong giới chính trị và hải quân Pháp khi nhìn về Việt Nam. Nhưng trong khi phương Tây tìm mọi cách để thiết lập ảnh hưởng, thì các vua triều Nguyễn lại làm điều ngược lại – hạn chế tối đa sự tiếp xúc với họ.
Hãy tưởng tượng bạn là một vị vua nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19. Khi mở cửa ra, bạn thấy người phương Tây đang xâm chiếm khắp nơi: Anh đã kiểm soát Ấn Độ, chiếm Singapore, Hà Lan trấn giữ Indonesia, còn Trung Quốc thì lao đao sau chiến tranh Nha Phiến. Ngoài khơi, thuyền Tây Dương liên tục xuất hiện, đòi quyền thông thương và tự do truyền giáo. Trong bối cảnh đó, việc nhà Nguyễn siết chặt kiểm soát với phương Tây không chỉ là sự cẩn trọng, mà còn là một quyết định mang tính sinh tồn.
Tuy nhiên, trong khi triều đình Huế khép cửa, Pháp vẫn tìm mọi cách để mở cửa. Hải quân Pháp tại Viễn Đông liên tục đề xuất can thiệp quân sự vào Việt Nam, nhưng lúc đó, Ngoại trưởng François Guizot có những ưu tiên khác. Ông muốn củng cố quan hệ với Anh để khôi phục vị thế cường quốc cho Pháp tại châu Âu, thay vì lao vào các cuộc phiêu lưu quân sự ở châu Á. Vì thế, khi tướng Cécille đề xuất chiếm đóng Việt Nam, Guizot thẳng thừng từ chối.
Ngoại trưởng Pháp François Guizot (1787-1874), là người từng phản đối can thiệp vào Việt Nam để giữ quan hệ với Anh.
Dù vậy, tình hình bắt đầu thay đổi khi chiến tranh Nha Phiến mở rộng vào năm 1844. Pháp giờ đây có cơ hội tham gia vào thị trường Trung Quốc – một thị trường giàu tiềm năng. Guizot yêu cầu Cécille tìm một căn cứ quân sự ở châu Á, tương tự như Singapore của Anh hay Macao của Bồ Đào Nha. Nhưng vì không muốn đối đầu với Anh, ông ta vẫn giữ lệnh "không được động vào Việt Nam!".
Tìm kiếm một vị trí chiến lược khác, hải quân Pháp tạm thời chiếm đảo Basilan gần Philippines. Nhưng Tây Ban Nha – nước đang kiểm soát Philippines – phản đối kịch liệt, buộc Pháp phải rút lui. Lúc này, các nhà truyền giáo Pháp tại Việt Nam tiếp tục thúc giục chính quyền Pháp can thiệp, đề xuất rằng Pháp sẽ có một căn cứ hải quân nếu giúp khôi phục nhà Lê. Cécille một lần nữa đề nghị can thiệp, nhưng Guizot vẫn giữ quan điểm cũ.
Quyết định này khiến giới sĩ quan hải quân và các giáo sĩ Pháp vô cùng bất mãn. Một linh mục thậm chí còn mỉa mai rằng chính phủ Pháp giống như "một con chó chỉ đứng xa mà sủa, chứ không dám cắn." Tuy nhiên, chính sự bất mãn này, cùng với tình hình chính trị tại Pháp, đã mở đường cho một bước ngoặt lớn.
Năm 1852, Napoléon III lên ngôi, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các đảng phái bảo thủ, đặc biệt là Giáo hội Công giáo. Ông nhanh chóng nhận ra rằng mình có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng Thiên Chúa giáo, đặc biệt là những giáo sĩ đang gặp khó khăn tại Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng với Napoléon III, tôn giáo chỉ là một cái cớ. Mọi cuộc xâm lược đều cần một lý do chính nghĩa, và bảo vệ giáo sĩ là vỏ bọc hoàn hảo cho tham vọng thực dân của Pháp.
Quan trọng hơn cả, việc chiếm đóng Việt Nam sẽ mang lại nguồn lợi to lớn cho nước Pháp. Và từ đây, kế hoạch xâm lược chính thức được khởi động...
Sự chuẩn bị của Pháp cho cuộc xâm lược
Sau khi Napoléon III lên ngôi, những lời kêu gọi can thiệp vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Từ giới hải quân, các nhà ngoại giao đến các giáo sĩ, tất cả đều thúc giục hoàng đế rằng Việt Nam phải trở thành một phần trong chiến lược mở rộng của Pháp tại Viễn Đông.
Hải quân Pháp tại Trung Quốc muốn một cứ điểm an toàn để đồn trú, sửa chữa tàu thuyền và tiếp tế lương thực, và Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng. Trong khi đó, các nhà ngoại giao như Alphonse de Bourboulon lại tin rằng Pháp cần phải chiếm Việt Nam hoặc Cao Ly để củng cố vị thế của mình ở châu Á. Không chỉ có hải quân và các nhà ngoại giao, giới giáo sĩ cũng không đứng ngoài cuộc. Những nhân vật như Huc, Legrand de La Lyraye và Pellerin coi Việt Nam là vùng đất cần phải "khai sáng" bằng Thiên Chúa giáo, và việc sử dụng vũ lực là điều tất yếu.
Trong số này, Huc đặc biệt quyết liệt. Dù chưa từng đặt chân đến Việt Nam, ông ta tin rằng Pháp có "quyền không thể chối cãi" để chiếm đóng đất nước này theo Hiệp ước 1787, dù thực tế hiệp ước chưa từng được thực hiện. Theo Huc, người Việt là một dân tộc hiền lành, chăm chỉ, dễ dàng tiếp nhận Thiên Chúa giáo và sẽ xem quân Pháp như những "ân nhân" khi đến đây.
Cùng quan điểm với Huc, Legrand de La Lyraye nhận định rằng Việt Nam là vùng đất đầy tiềm năng. Ông ta cho rằng, nếu Pháp kiểm soát được nơi này, họ có thể kiềm chế sự bành trướng của Anh ở Viễn Đông, Tây Ban Nha ở Philippines và Hà Lan ở Indonesia. Không chỉ có vị trí chiến lược, Việt Nam còn là một vùng đất giàu tài nguyên, dân cư đông đúc và chăm chỉ, là một thuộc địa lý tưởng để khai thác. Đặc biệt, theo La Lyraye, hệ thống chính trị của triều đình Huế đang suy yếu nghiêm trọng. Vua thì sa đọa, quan lại chia rẽ, quân đội thiếu trang bị và kỷ luật, thành lũy xuống cấp, tất cả những điều này khiến Việt Nam trở thành mục tiêu dễ dàng cho một cuộc chinh phục. Ông ta thậm chí còn ví Việt Nam như một "quả chín rục" chỉ chờ rơi xuống, và điều Pháp cần làm là giành lấy trước khi nó rơi vào tay người Anh.
Người dân quỳ lạy trước binh sĩ Pháp năm 1884. Tranh minh họa trong cuốn La guerre du Tonkin (xuất bản tại Paris, 1887) của L. Huard.
Không dừng lại ở lời nói, La Lyraye còn vạch ra một kế hoạch rõ ràng. Ông ta đề xuất trước tiên sử dụng ngoại giao để gây sức ép lên triều Nguyễn. Pháp sẽ cử một phái đoàn sang tặng quà và thuyết phục nhà Nguyễn cho phép sĩ quan Pháp có mặt tại các vị trí quan trọng như Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng để đảm bảo quyền tự do thương mại và truyền giáo. Đồng thời, họ cũng yêu cầu quyền sở hữu vĩnh viễn Đà Nẵng, Hội An và Cù Lao Chàm để làm căn cứ quân sự và trạm tiếp tế. Nếu triều đình Huế chấp nhận, Pháp có thể từng bước mở rộng ảnh hưởng mà không cần nổ súng.
Nhưng ngay cả La Lyraye cũng không tin rằng kế hoạch ngoại giao sẽ thành công. Ông ta đã tính sẵn phương án quân sự nếu triều Nguyễn từ chối. Khi đó, Pháp sẽ tiến tới thiết lập chế độ bảo hộ, và nếu nhà Nguyễn tiếp tục phản kháng, một cuộc tấn công đồng loạt sẽ diễn ra. Các chiến dịch quân sự sẽ nhắm vào Bắc Kỳ, Huế và Đà Nẵng cùng một lúc, đánh sập chính quyền nhà Nguyễn, đồng thời dựng lên một vị vua bù nhìn mang danh con cháu nhà Lê tại Hà Nội.
Tất cả những tính toán này đều nhằm đảm bảo một cuộc xâm lược có lý do chính đáng. Nếu triều Nguyễn từ chối những điều kiện của Pháp, điều đó có thể được diễn giải như một hành động "khiêu khích", và Pháp có thể dùng nó làm cái cớ để biện minh cho cuộc chiến trước cộng đồng quốc tế. Mọi kế hoạch đã được chuẩn bị sẵn sàng. Điều duy nhất còn thiếu, chính là một sự kiện đủ lớn để chính thức kích hoạt cuộc chiến. Và điều đó đã đến không lâu sau đó...
Cuộc viễn chinh bắt đầu
Legrand de La Liraye không chỉ là một người ủng hộ cuộc chiến, mà còn trực tiếp vạch ra một kế hoạch quân sự chi tiết. Ông ta tính toán cả số lượng tàu chiến và binh lính cần thiết, sẵn sàng tham gia vào chiến dịch với vai trò thông ngôn. Rõ ràng, Liraye không phải là một nhà quan sát thông thường, mà hẳn đã được đào tạo bài bản trong các trường quân sự và kinh tế danh tiếng của Pháp.
Nhưng Liraye không phải là người duy nhất thúc đẩy cuộc xâm lược. Giám mục Pellerin, một nạn nhân của chính sách cấm đạo tại Việt Nam, đã trở về Pháp vào tháng 5/1857 để vận động cho một cuộc can thiệp bằng vũ lực. Những gì ông ta mang theo không chỉ là lời kêu gọi mà còn là sự kích động dư luận. Báo chí Pháp sôi sục, giới chính trị không ngừng tranh luận, và đặc biệt, hoàng hậu Eugénie de Montijo – một tín đồ Công giáo ngoan đạo – càng quyết tâm ủng hộ cuộc chiến khi biết một trong số các giáo sĩ bị hành quyết ở Việt Nam là người quen của bà.
Trong khi ở chính quốc, dư luận ngày càng nghiêng về chiến tranh, thì ở bên ngoài, tình hình quốc tế cũng đang tạo ra những điều kiện vô cùng thuận lợi. Người Anh, đối thủ lớn nhất của Pháp, đang phải đối phó với cuộc nổi dậy tại Ấn Độ vào tháng 6/1857, khiến họ không còn đủ sức quan tâm đến các động thái của Pháp ở Đông Dương. Cùng thời điểm đó, tại Trung Quốc, quân đội Pháp vừa tham gia trận đánh Quảng Châu vào tháng 12/1857, và hạm đội của họ ở Viễn Đông đã được tăng cường thêm 8 tàu chiến. Điều này đồng nghĩa với việc Pháp có đủ lực lượng để tiến hành một chiến dịch quân sự mà không cần huy động thêm quân từ châu Âu.
Ngay tại Việt Nam, vua Tự Đức đã vô tình "tạo điều kiện" cho Pháp khi ra lệnh xử tử giám mục người Tây Ban Nha Diaz vào ngày 20/7/1857. Đây chính là cái cớ hoàn hảo để lôi kéo Tây Ban Nha tham chiến. Với việc quân Tây Ban Nha đã sẵn sàng tại Philippines, cuộc viễn chinh giờ đây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thực tế, Napoleon III đã quyết định tấn công Việt Nam từ trước đó. Những sự kiện này chỉ củng cố thêm quyết tâm của ông ta mà thôi. Vì thế, một Ủy ban về Nam Kỳ (Commission de la Cochinchine) được thành lập, do Nam tước Brenier làm chủ tịch, nhóm họp từ ngày 28/4 đến 18/5/1857. Sau nhiều phiên họp, ủy ban này đã đưa ra một kết luận rõ ràng: Pháp không thể làm ngơ trước tình hình tại Việt Nam.
Họ viện dẫn lý do tôn giáo, chính trị và thương mại để biện minh cho cuộc chiến. Trong biên bản được đệ trình lên Napoleon III, ủy ban nhấn mạnh rằng trong suốt 50 năm qua, khoảng 60.000 giáo dân và giáo sĩ Công giáo tại Việt Nam đã bị ngược đãi, và Pháp không thể khoanh tay đứng nhìn. Họ cũng cho rằng, trong khi Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha và Nga đã có chỗ đứng tại Viễn Đông, thì Pháp không thể bị bỏ lại phía sau. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào như bông vải, lụa, đường, gạo và gỗ xây dựng, chưa kể đến tiềm năng trồng cà phê.
Tàu Liên quân tấn công Đà Nẵng năm 1858.
Nhưng điều quan trọng nhất chính là lập luận rằng Việt Nam phải thuộc về Pháp, vì Anh đã có Trung Quốc. Trong báo cáo gửi lên hoàng đế, ủy ban khẳng định:
Người Anh đã sắp xếp xong vị thế của họ tại Trung Quốc, còn chúng ta sẽ làm điều tương tự tại Việt Nam. Đây là lãnh thổ mà Pháp có truyền thống hiện diện từ lâu. Chúng ta có thể hành động độc lập. Quyền lợi tôn giáo và quyền lợi quốc gia là một. Chúng ta đã chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình tại đây, và giờ là lúc để mở rộng ảnh hưởng.
Sau khi nhận được báo cáo này, Napoleon III chính thức phê duyệt cuộc viễn chinh. Lệnh tấn công được gửi đến Rigault de Genouilly, tư lệnh hải quân Pháp đang tham chiến cùng quân Anh tại Quảng Đông, Trung Quốc. Khi Hiệp ước Thiên Tân được ký kết vào tháng 6/1858, Rigault de Genouilly không còn gì phải bận tâm nữa. Giờ đây, mọi thứ đã sẵn sàng cho cuộc xâm lược.
Cuối tháng 8 năm 1858, từ cảng Yulikan, cực nam của đảo Hải Nam, những chiến hạm của Pháp rời bến, tiến thẳng về vịnh Đà Nẵng. Họ tin rằng đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi cho công cuộc chinh phục Việt Nam. Nhưng họ không biết rằng, chính quyết định này sẽ đẩy họ vào một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử xâm lược của nước Pháp…