Những hành trình đầu tiên của Tập Cận Bình
Năm 1912, Nhà Thanh sụp đổ, chấm dứt hàng ngàn năm phong kiến tại Trung Quốc. Nhưng quyền lực tập trung vào một cá nhân chưa bao giờ biến mất. Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, Trung Quốc luôn có những nhà lãnh đạo mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua những giai đoạn biến động.
Cuộc đời Tập Cận Bình là một chuỗi sự kiện định hình nên con người quyền lực nhất Trung Quốc hiện nay. Từ tuổi thơ đầy biến động với cha là Tập Trọng Huân – cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc – đến những năm tháng lao động khổ sai trong Cách mạng Văn hóa, mọi thách thức đã rèn giũa ý chí sắt đá của Tập.
Sinh ra trong một gia đình lãnh đạo cấp cao, Tập Cận Bình từng sống cuộc đời ưu tú với sự xa hoa tại Trung Nam Hải. Tuy nhiên, khi cha ông bị thanh trừng vào năm 1962, cuộc sống của Tập hoàn toàn đảo lộn. Trong Cách mạng Văn hóa, Tập bị đưa về vùng nông thôn Thiểm Tây để lao động khổ sai. Những năm tháng đó đã tôi luyện tính cách bền bỉ, tạo nền tảng cho những quyết định mạnh mẽ sau này. Ông Tập từng chia sẻ:
Dao không được mài trên đá thì không sắc. Những người được thử lửa đều trưởng thành.
Sau khi được nhận vào Đại học Thanh Hoa theo diện “công nông binh” vào năm 1975, Tập bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông làm việc tại văn phòng Quân ủy Trung ương, xây dựng mối quan hệ mật thiết với giới quân đội. Các vị trí lãnh đạo tại Hà Bắc, Phúc Kiến và Chiết Giang giúp Tập khẳng định năng lực điều hành, đồng thời gia tăng uy tín trong Đảng. Những tỉnh này không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn mang ý nghĩa chiến lược về an ninh.
Bức ảnh được chụp năm 1972 khi ông Tập Cận Bình quay trở lại Bắc Kinh để thăm người thân.
Đầu năm 2007, Tập được bổ nhiệm làm Bí thư Thượng Hải, thành phố quan trọng nhất Trung Quốc sau Bắc Kinh. Với lý lịch trong sạch và phong cách lãnh đạo hòa nhã, ông nhanh chóng trở thành ứng cử viên sáng giá để kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Tập không như dự đoán. Ông không hề dễ thỏa hiệp và càng không dễ bị kiểm soát.
Hành trình từ một cậu bé bị đẩy ra nông thôn lao động khổ sai đến người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới là minh chứng cho ý chí và sự kiên định của Tập Cận Bình. Nhưng điều gì đã khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực vượt mọi giới hạn như hiện nay?
Tập Cận Bình và chiến lược củng cố quyền lực
Con đường vào Đảng Cộng sản Trung Quốc của Tập Cận Bình không hề dễ dàng. Mãi đến năm 1974, ông mới được kết nạp làm Đảng viên chính thức. Nhưng từ đó, hành trình leo lên đỉnh cao quyền lực của Tập diễn ra một cách chắc chắn và đầy chiến lược. Tập Cận Bình luôn tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của Đảng. Sự sụp đổ của các chính quyền tại Đông Âu, Mùa xuân Ả Rập ở Trung Đông, và đặc biệt là Liên Xô đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tư duy lãnh đạo của ông. Tập từng nhận định:Một đảng lớn đã biến mất, chỉ như vậy đấy." (Tập Cận Bình, 2012).
Ông nghiên cứu kỹ bài học từ Liên Xô và cho rằng sự thiếu vắng một người lãnh đạo cứng rắn là nguyên nhân khiến hệ thống này sụp đổ. Tập tự đặt mình vào vai trò người bảo vệ và củng cố quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay khi lên nắm quyền, Tập đã triển khai một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, do Vương Kỳ Sơn – một nhân vật cứng rắn và trung thành – đứng đầu. Chiến dịch này không chỉ nhằm mục đích làm trong sạch hệ thống, mà còn là một công cụ hiệu quả để loại bỏ các đối thủ chính trị.
Trong giai đoạn 2014-2015, khoảng 100.000 quan chức Trung Quốc đã bị bắt vì tham nhũng trong chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Những cơn địa chấn chính trị xuất hiện ngay lập tức. Hai "ông lớn" từng là đối thủ của Tập – Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh, và Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Bộ Công an – lần lượt bị lật đổ với các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Tuy nhiên, chiến dịch này không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân. Từ cuối năm 2012, hơn 2,7 triệu quan chức đã bị điều tra, trong đó có 1,5 triệu người bị xử lý. Các nhân vật cấp cao, bao gồm 7 thành viên Bộ Chính trị, 24 tướng lĩnh quân đội, và thậm chí là hai quan chức bị tuyên án tử hình, đã minh chứng cho sự mạnh tay của Tập trong việc củng cố quyền lực.
Chiến dịch chống tham nhũng không chỉ là cuộc thanh lọc hệ thống, mà còn là lời khẳng định cho quyết tâm kiểm soát toàn diện của Tập Cận Bình. Hành động cứng rắn này đã đưa ông trở thành nhà lãnh đạo không chỉ khó đối phó, mà còn không thể bị thách thức.
Sự phục hưng quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình
Thời đại của Mao Trạch Đông được đánh dấu bằng quyền lực tuyệt đối và vĩnh viễn của cá nhân nhà lãnh đạo. Nhưng khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, ông đã xóa bỏ chế độ độc tài suốt đời, giới hạn thời gian tại vị của Chủ tịch nước xuống còn hai nhiệm kỳ 5 năm, đồng thời thiết lập cơ chế chia sẻ quyền lực. Hệ thống này đã mang lại sự ổn định và giúp những lãnh đạo sau như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào tiếp tục duy trì. Chính nhờ cơ chế đó, Tập Cận Bình mới có cơ hội bước chân vào tầng lớp lãnh đạo ở Bắc Kinh. Thế nhưng, khi nắm quyền, Tập đã thay đổi mọi thứ, đưa đất nước trở lại với một hình thái quyền lực tập trung tuyệt đối giống thời Mao.
Năm 2017, đáng lẽ là thời điểm Tập công bố người kế nhiệm, như truyền thống các thế hệ lãnh đạo trước. Nhưng thay vào đó, ông bãi bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ, mở đường để trở thành Chủ tịch nước trọn đời. Lý do đơn giản: Tập không tin tưởng ai ngoài chính mình. Tuy nhiên, để thực sự khẳng định quyền lực tuyệt đối, một lãnh đạo cần xây dựng tư tưởng riêng. Giống như Mao trước đây, Tập Cận Bình đã đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào điều lệ Đảng từ tháng 10 năm 2017.
Từ đó, ông tiến hành củng cố đội ngũ lãnh đạo bằng những nhân vật trung thành tuyệt đối. Các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị và Chính phủ Trung Quốc hiện nay không chỉ là những người ủng hộ tư tưởng của Tập mà còn là minh chứng rõ ràng cho tiêu chí “lòng trung thành quan trọng hơn năng lực.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng tại tiệc chiêu đãi lãnh đạo dự diễn đàn Vành đai và Con đường lần 2, tháng 4/2019 tại Bắc Kinh.
Dưới sự lãnh đạo của Tập, Trung Quốc không ngừng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã giúp Tập mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới, biến nhiều quốc gia thành con nợ, đồng thời tạo ra sức mạnh đòn bẩy về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, sự trỗi dậy này cũng đi kèm với những mối lo ngại lớn: Đó là Nhật Bản lo việc giải quyết những bất đồng lịch sử với Trung Quốc. Đó là Đài Loan lo sợ bị nuốt chửng bởi đại lục. Các nước Đông Nam Á thì lo bị chèn ép bởi những khái niệm như Đường lưỡi bò. Những vấn đề nội tại khác ở Hongkong hay Tân Cương cũng vậy.
Ngay cả bên trong lãnh thổ, những vấn đề như Hong Kong, Tân Cương, hay chính sách Zero Covid cũng làm dấy lên những phản đối mạnh mẽ. Ông Tập từng tuyên bố:
Hôm nay, con sư tử đã thức dậy. Nhưng đó là con sư tử hòa bình, dễ chịu, văn minh.
Tuy nhiên, thế giới không khỏi đặt câu hỏi: Liệu có một con sư tử nào thực sự “hòa bình” và “dễ chịu” như lời Tập nói? Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng, nhưng đồng thời cũng trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều quốc gia xung quanh. Quyền lực của Tập càng lớn bao nhiêu, những căng thẳng trong khu vực và trên toàn cầu cũng gia tăng bấy nhiêu.
Khi nắm giữ quyền lực tuyệt đối, người ta thường cho rằng mình không thể bị lật đổ. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, quyền lực càng tập trung, thì rủi ro sụp đổ càng lớn. Những thách thức và thế lực đối đầu ngày một nhiều có thể biến “triều đại” của một hoàng đế thành một dấu chấm hết bất ngờ.
Từ một thái tử Đảng từng trải qua những năm tháng khắc nghiệt, Tập Cận Bình đã vươn lên đỉnh cao quyền lực. Ở tuổi 70, ông vẫn là trung tâm của một Trung Quốc đầy biến động. Tuy nhiên, con đường phía trước không chỉ trải đầy quyền lực và vinh quang, mà còn đầy rẫy thách thức.
Mao Trạch Đông từng nắm quyền và lãnh đạo Trung Quốc trong 27 năm, và Tập dường như có tham vọng vượt qua con số đó. Nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào ý chí của ông, mà còn ở khả năng duy trì sự ổn định trong bối cảnh đầy sóng gió. Những mâu thuẫn nội tại, những áp lực từ quốc tế, và sự bất mãn của người dân là những trở ngại hiện hữu.
Hệ thống mà Tập đã thay đổi để củng cố quyền lực của mình, đồng thời cũng có thể là hệ thống dẫn đến sự thất bại. Khi quyền lực tập trung quá mức, bất kỳ sai lầm nào cũng dễ dàng trở thành thảm họa. Tập Cận Bình đã xây dựng một hệ thống tập quyền tối cao, nơi ông là trung tâm duy nhất. Nhưng sự tập trung quyền lực cũng có mặt trái: nó làm giảm tính linh hoạt, hạn chế sự sáng tạo, và có thể tạo ra những phản ứng ngược từ chính nội bộ. Một hệ thống như vậy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể quay lưng lại với người sáng lập ra nó.
Tập Cận Bình đã đạt được điều mà ít ai có thể tưởng tượng: đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc đáng gờm và xây dựng vị thế cá nhân vượt xa các lãnh đạo gần đây. Nhưng tham vọng lớn cũng đi kèm với nguy cơ lớn. Và câu hỏi cuối cùng đặt ra: Liệu Tập Cận Bình có vượt qua được chính những thách thức mà ông tạo ra? Hành trình của ông là minh chứng sống động cho sự trỗi dậy từ nghịch cảnh, nhưng triều đại nào cũng phải đối mặt với thử thách của thời gian. Tương lai của Tập, cũng như tương lai của Trung Quốc, vẫn là một ẩn số mà lịch sử sẽ quyết định.