Cuộc cách mạng âm thanh
Để hiểu về nguồn gốc của ngành công nghiệp âm nhạc như chúng ta biết hôm nay, chúng ta phải quay ngược thời gian về cuối thế kỷ 19. Vào năm 1887, Thomas Alva Edison đã tạo ra một phát minh thay đổi cuộc chơi: chiếc máy hát quay tay. Phát minh này đã mang đến cho chúng ta khả năng thưởng thức âm nhạc mà không cần có mặt trực tiếp tại các buổi biểu diễn. Tuy nhiên, phải đến năm 1930, khi máy hát đĩa ra đời, những thiết bị nghe nhạc mới thực sự phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống.
Những năm 1950 chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp đĩa than, đưa âm nhạc vào mọi ngôi nhà, nhưng chưa dừng lại ở đó. Đến đầu những năm 1980, một cuộc cách mạng công nghệ mới đã xuất hiện: đĩa quang kỹ thuật số, hay còn gọi là CD (Compact Disc). CD không chỉ bền hơn đĩa than mà còn không gặp phải tình trạng rít, vấp hay tạp âm, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp âm nhạc. Đến năm 1988, CD đã trở thành tiêu chuẩn trong việc nghe nhạc, và chỉ trong năm 1993, doanh thu từ ngành công nghiệp âm nhạc tại Mỹ đã tăng vọt lên 18 tỷ USD, 65% trong số đó đến từ việc bán CD.
Vào những năm 1980, đĩa quang kỹ thuật số (CD) đã xuất hiện, mở ra một cuộc cách mạng công nghệ mới.
Tuy nhiên, vào thời điểm các hãng thu âm đang ngập tràn trong lợi nhuận từ CD, một phát minh mới đã xuất hiện vào cuối những năm 1980 và gần như khiến ngành công nghiệp âm nhạc “sụp đổ” — đó chính là MP3.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Fraunhofer ở Munich, Đức, đã phát triển một phương pháp để lấy dữ liệu nhạc số từ CD và phát trực tuyến qua Internet. Tuy nhiên, vấn đề là tốc độ Internet vào những năm 1990 quá chậm để làm điều này hiệu quả. Và rồi, họ đã tìm ra một giải pháp: nén dữ liệu xuống 90% dung lượng. Mặc dù chất lượng âm thanh có thể bị giảm chút ít, nhưng sự khác biệt không phải ai cũng nhận ra, và càng ít người còn bận tâm đến điều đó khi sự tiện lợi lên ngôi. Ai cũng có thể dễ dàng sao chép bộ sưu tập từ CD vào thư viện MP3 của mình.
Chưa dừng lại ở đó, các thiết bị nghe MP3 nhanh chóng ra đời. Vào mùa xuân năm 1998, Saehan – một hãng sản xuất của Hàn Quốc – đã cho ra mắt MPMan, chiếc máy nghe nhạc cá nhân đầu tiên có thể phát file MP3. Với dung lượng 32MB, nó có thể chứa khoảng 10 bài hát. MP3 đã mở ra một kỷ nguyên mới, nơi âm nhạc có thể được thưởng thức mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, điều này lại mang đến một cơn ác mộng thực sự cho các hãng thu âm.
Napster - “Kẻ” hồi sinh âm nhạc
Vào tháng 6 năm 1999, Shawn Fanning và Sean Parker – người sau này trở thành chủ tịch Facebook – đã ra mắt Napster, một ứng dụng chia sẻ nhạc miễn phí dựa trên khái niệm chia sẻ ngang hàng (peer-to-peer). Thay vì phải bỏ ra 20 USD để mua một đĩa CD, người dùng có thể dễ dàng tải nhạc miễn phí qua Napster. Điều này nhanh chóng tạo ra một cơn bão trong ngành công nghiệp âm nhạc, với gần 20 triệu người dùng chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Các hãng thu âm nhanh chóng mất hàng trăm triệu USD vì Napster.
Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất chính là ban nhạc rock huyền thoại Metallica. Họ phát hiện ra một bản demo bài hát "I Disappear" đã bị rò rỉ trên mạng trước cả khi phát hành chính thức. Lars Ulrich, thành viên của Metallica, đã nói trong phiên tòa rằng: “Từ khi Napster ra đời vào năm 1999, đã có tới 150 triệu lượt tải nhạc của Metallica.” Cuộc chiến pháp lý giữa Metallica và Napster bắt đầu, và ngày 13 tháng 3 năm 2000, Metallica chính thức kiện Napster. Sau đó, Dr. Dre và các hãng thu âm lớn khác cũng tham gia cuộc chiến này. Cuối cùng, vào tháng 7 năm 2001, Napster chính thức bị đóng cửa.
Dù Napster đã “ra đi,” nhưng thói quen nghe nhạc miễn phí đã ăn sâu vào tâm trí người dùng. Họ không còn muốn bỏ tiền ra mua CD như trước đây nữa. Và dù Napster có kết thúc, hàng loạt dịch vụ chia sẻ nhạc miễn phí khác đã nhanh chóng xuất hiện. Người dùng có thể tải bất kỳ bài hát nào họ muốn mà không cần phải nghe nguyên cả album.
Napster chạy trên Mac OS 9 vào tháng 3 năm 2001.
Và giữa bối cảnh này, một người đã nhìn thấy cơ hội. Đó là Steve Jobs. Ông đã cung cấp một giải pháp cho các hãng thu âm: người dùng sẽ mua từng bài hát trên iTunes với giá chỉ 0,9 USD và chuyển nhạc vào iPod. Các hãng thu âm có thể kiếm tiền, nhưng vẫn có những vấn đề lớn. Đầu tiên, không phải ai cũng sử dụng iPod. Thứ hai, người ta vẫn có thể sao chép bài hát lậu vào iPod, khiến iPod trở thành công cụ thúc đẩy việc tải nhạc không bản quyền.
Tuy nhiên, Apple vẫn thành công rực rỡ, với doanh số iPod tăng vọt sau khi ra mắt. Thành công của iPod dường như đã "tiễn" CD vào dĩ vãng. Nhưng trong khi đó, việc chia sẻ nhạc lậu không có dấu hiệu dừng lại, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc – từ 25,2 tỷ USD vào năm 1999 xuống còn 14,8 tỷ USD vào năm 2011.
Tháng 10 năm 2007, ban nhạc Radiohead đã quyết định phát hành album "In Rainbows" dưới hình thức tải về từ trang web chính thức của họ, cho phép người dùng trả bao nhiêu tùy thích, thậm chí miễn phí. Kết quả thật bất ngờ: chỉ trong ngày đầu tiên, album này đã đạt 1,2 triệu lượt tải về. Tại sao họ lại làm như vậy? Đơn giản, nếu không làm thế, người ta vẫn sẽ tải nhạc miễn phí. Ít nhất, cách này cũng giúp họ thu được một khoản tiền. Radiohead là minh chứng rõ ràng cho thấy ngành công nghiệp âm nhạc đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một cứu tinh thực sự đang đến gần để giải cứu ngành công nghiệp này...
Spotify và những cuộc đụng độ với gã khổng lồ
Tại Thụy Điển, một cuộc đối đầu quyết liệt trong ngành công nghiệp âm nhạc đang diễn ra. The Pirates Bay, được thành lập vào năm 2003, đã tạo ra không ít khó khăn cho các ông lớn như Sony, Warner và Universal. Trong bối cảnh đó, Daniel Ek, một doanh nhân công nghệ trẻ tuổi, đã nhìn thấy cơ hội và tạo ra một tầm nhìn khác biệt cho tương lai ngành công nghiệp này. Vào năm 2006, Ek và Martin Lorentzon cùng nhau sáng lập Spotify, nền tảng phát nhạc trực tuyến tiên phong, kết hợp công nghệ phát nhạc trực tuyến và hợp tác với các công ty thu âm để cung cấp dịch vụ hợp pháp.
Có thể nói, nếu không có những dịch vụ chia sẻ nhạc lậu như The Pirates Bay hay Napster, sẽ khó có Spotify ngày nay. Daniel Ek đã lấy cảm hứng từ các dịch vụ này để xây dựng Spotify, nhưng theo một hướng hợp pháp. Chính những người tiên phong trong lĩnh vực stream nhạc như Sean Parker (người sáng lập Napster) và Peter Sunde (người sáng lập The Pirates Bay) đã hỗ trợ quan trọng cho sự thành công của Spotify. Sean Parker từng chia sẻ rằng anh mơ về một dịch vụ như Spotify khi Napster còn tồn tại. Peter Sunde cũng nói:
Đôi khi tôi nghĩ tôi nên nhận được một phần từ Spotify như một lời cảm ơn.
Khi Spotify ra mắt tại châu Âu vào năm 2008, các hãng thu âm thực sự không còn lựa chọn nào tốt hơn trong bối cảnh tình trạng tải nhạc lậu ngày càng phổ biến. Ek tin rằng người dùng sẽ thích phát nhạc trực tuyến từ Internet thay vì lưu trữ chúng dưới dạng tập tin. Họ có thể tiếp cận toàn bộ thế giới âm nhạc ngay lập tức mà không cần phải lo lắng về việc lưu trữ hay bảo quản các đĩa CD. Và Ek đã đúng. Spotify đã thu hút hàng triệu người dùng ngay từ đầu.
Sau rất nhiều khó khăn, Spotify đã có mặt tại Mỹ vào năm 2011. Nhưng Mỹ lại là một thị trường khó khăn với sự cạnh tranh từ Apple và iTunes. Một trong những vụ đối đầu nổi bật là vào năm 2014, khi Taylor Swift rút toàn bộ nhạc của mình khỏi Spotify, cho rằng thù lao trả cho các nghệ sĩ là quá ít ỏi. Cô nói:
Âm nhạc là những tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật rất quan trọng và rất hiếm. Những thứ quan trọng và hiếm thường rất có giá trị. Những thứ có giá trị nên được chi trả một cách xứng đáng. Quan điểm của tôi là không nên cung cấp âm nhạc miễn phí.
Spotify vinh danh Taylor Swift là Nghệ sĩ hàng đầu toàn cầu (Global Top Artist) năm 2023 trên nền tảng nghe nhạc trực tuyến này.
Các ngôi sao lớn muốn kiểm soát nguồn thu của họ, và vì thế, Tidal và Apple Music ra đời như những đối thủ cạnh tranh của Spotify.
Tuy nhiên, sự phát triển của Spotify không thể bị ngừng lại. Vào tháng 4 năm 2018, công ty đã thực hiện đợt IPO tại Mỹ, giúp Daniel Ek trở thành tỷ phú ở tuổi 35. Từ một nền tảng khiêm tốn, Spotify đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ, từ 1 triệu người dùng vào năm 2011 lên 60 triệu người đăng ký trả tiền vào năm 2017, trong khi Apple Music chỉ có 25 triệu người dùng trả phí cùng thời điểm đó.
Spotify chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2018, mang đến cho người dùng lựa chọn nghe nhạc miễn phí với quảng cáo hoặc đăng ký gói premium với mức phí chỉ 59.000 đồng/tháng. Dịch vụ này dễ dàng tiếp cận người dùng trên nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại di động và đồng hồ thông minh.
Spotify đã tận dụng hoàn hảo thời điểm các hãng thu âm gặp khó khăn với tình trạng tải nhạc lậu. Với mức phí không quá cao, người dùng sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này, hoặc nếu không, họ vẫn có thể thưởng thức nhạc miễn phí với một ít quảng cáo. Các hãng thu âm thu về một phần lớn doanh thu từ Spotify, lên đến 70%. Tuy nhiên, đối với các nghệ sĩ, câu chuyện lại không đơn giản như vậy. Trừ khi bạn là ngôi sao lớn như Taylor Swift hay Adele, còn không thì thu nhập từ Spotify là rất ít. Mỗi lượt nghe chỉ mang lại từ 0,006 đến 0,0084 USD. Các nghệ sĩ hiện nay phải dựa vào các buổi biểu diễn trực tiếp để có thu nhập ổn định.
Mặc dù vậy, Spotify đang dần trở thành nền tảng hỗ trợ cho cả các nghệ sĩ mới và những ngôi sao lớn. Công ty đến từ Thụy Điển đã thay đổi cách chúng ta nghe nhạc và giúp người dùng làm quen với việc trả tiền để nghe nhạc sau nhiều năm sử dụng nhạc không bản quyền. Hơn nữa, Spotify đã trở thành nền tảng mà các nghệ sĩ không thể dễ dàng rời bỏ.
Dữ liệu và sự biến đổi kỳ diệu của âm nhạc
Spotify không chỉ là nền tảng phát nhạc trực tuyến, mà còn là công cụ mạnh mẽ trong việc thu thập và phân tích dữ liệu người dùng. Những dữ liệu này giúp Spotify hiểu rõ sở thích của người nghe, từ đó đưa ra những gợi ý âm nhạc phù hợp. Cụ thể, họ biết rõ các thể loại nhạc nào được yêu thích vào thời điểm nào, và từ đó, có thể điều chỉnh cách thức các bài hát được sáng tác.
Điều này dẫn đến sự thay đổi trong cách viết bài hát: các ca khúc trở nên ngắn gọn hơn và thường bắt đầu bằng điệp khúc ngay từ những giây đầu tiên. 30 giây đầu tiên trở thành yếu tố quyết định—nếu không đủ hấp dẫn, người nghe sẽ nhanh chóng chuyển sang bài hát khác. Một số người cho rằng thuật toán này có thể làm hạn chế sự sáng tạo trong âm nhạc. Tuy nhiên, các nghệ sĩ giờ đây có thể tiếp cận người nghe dễ dàng hơn bao giờ hết.
Spotify cung cấp miễn phí dữ liệu này cho các nghệ sĩ, giúp họ tối ưu hóa việc sử dụng nền tảng để tiếp cận khán giả. Với lượng lượt nghe khổng lồ, các ca sĩ nổi tiếng có thể thu về một khoản tiền đáng kể từ Spotify. Trung bình, một tỷ lượt nghe mang về khoảng 7 triệu USD cho các hãng thu âm và khoảng 1 triệu USD cho nghệ sĩ.
Đặc biệt, một sự kiện đáng chú ý là khi Taylor Swift trở lại Spotify, sau khi từng rút nhạc của mình khỏi nền tảng này. Jay-Z, đồng sáng lập Tidal, cũng đã quyết định quay lại Spotify. Nhờ vào cuộc cách mạng MP3 và sự xuất hiện của các nền tảng như Spotify, ngành công nghiệp âm nhạc đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với lợi nhuận tăng từ 14,8 tỷ USD vào năm 2011 lên 23,1 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Spotify vẫn phải đối mặt với những khoản lỗ hàng năm, phần lớn do phải trả ít nhất 70% doanh thu cho các hãng thu âm.
Dữ liệu chính là chìa khóa giúp Spotify có thể thay đổi cuộc chơi. Với 550 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó hơn 220 triệu người đã đăng ký trả phí tại 180 quốc gia, Spotify sở hữu một kho dữ liệu khổng lồ, có khả năng tạo ra những thay đổi lớn trong ngành. Nền tảng này có thể tạo ra những ngôi sao mới thông qua các danh sách phát và thuật toán gợi ý. Những danh sách phát được Spotify tạo ra thu hút hàng triệu người theo dõi, và việc lọt vào một danh sách như vậy có thể giúp nghệ sĩ tăng lượt nghe từ 50 đến 100%.
Spotify cũng có thể sử dụng dữ liệu này để tự biến mình thành một hãng thu âm, hợp tác trực tiếp với các nhà sáng tạo nội dung—không chỉ trong âm nhạc, mà còn trong các lĩnh vực như podcast và sách nói. Điều này có thể khiến các hãng thu âm cảm thấy khó chịu, nhưng Spotify đã trở thành một người chơi quan trọng trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Mặc dù cuộc chiến trong ngành phát nhạc trực tuyến ngày càng gay cấn với sự gia nhập của những "ông lớn" như Apple, Google, Amazon và TikTok, nhưng không thể phủ nhận rằng Spotify đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp âm nhạc. Bằng việc tận dụng dữ liệu người dùng, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo và đối mặt với những thử thách đầy cam go, Spotify không chỉ là nền tảng phát nhạc mà còn là người dẫn đầu trong việc thay đổi cách thức tiêu thụ âm nhạc. Tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc chắc chắn sẽ còn nhiều biến động, nhưng với sự đổi mới không ngừng, Spotify vẫn là một lực lượng không thể xem nhẹ trong cuộc đua này.